vendredi 13 juin 2014

Thoát Trung hay Thoát Ta ?



Hôm trước đọc một số bài Thoát Trung để Phát triển đất nước mình thấy rất thú vị. Suy nghĩ mãi về câu hỏi, nhưng Thoát Trung là thoát cái gì ?

Trung thực mà nói đến 60-70% người Việt là giống người Trung Quốc, nguyên nhân là do lịch sử mà ra. Như vậy nếu Thoát Trung có nghĩa là người Việt sẽ can đảm từ bỏ đi 60-70% những đặc tính vốn xem là của mình một cách vô thức hay cố ý, và đi tìm 60-70% các đặc tính mới từ các dân tộc khác để học hỏi và biến thành cái của mình. Cái này không dễ vì nó sẽ gây là một cuộc khủng hoảng tạm thời về “nhận diện-identification” của người Việt.

Để tránh sự khủng hoảng này, cần xác định mục đích sống của người Việt là gì, rồi bước tiếp theo là can đảm từ bỏ và xây dựng cho mình những đặc tính phù hợp để đạt được mục tiêu đó. 
Đặt câu hỏi to tát vậy, nhưng mình sẽ chỉ giải quyết câu hỏi này ở mức độ cá nhân của riêng mình thôi.

Nhiều người cho rằng muốn thay đổi thì phải bắt đầu từ trên xuống tức từ những người có chức quyền hay luật, thiết chế trước rồi cá nhân mới thay đổi. Còn mình lại ủng hộ xu hướng của Phật Giáo là cần thay đổi từ chính mình trước, thay đổi từ dưới lên, thay đổi tiểu vũ trụ trong mình trước khi muốn thay đổi thế giới. Mỗi người tự thay đổi, và khi sự thay đổi về lượng đủ lớn, tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất, về bản chất như hệ thống, bộ máy, thiết chế chính trị.  

Mục tiêu sống của mình là đi tìm cách sống đạt được hạnh phúc dung hòa giữa đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần trong hiện tại và tương lai.

Có một bí mật của cuộc sống mà mình ngộ ra khi đọc quyển “Thuật giả kim” là Tất cả chỉ là một. Thực ra chỉ có con người với cái đầu ốc rối lắm hay ngây ngô tự đặt tên rồi định nghĩa này nó, chứ bản chất mọi thứ đều có sự liên hệ mật thiết với nhau và trỗn lẫn trong nhau. Cũng giống như khi ném quả banh vào tường, theo định luật vật lý thì nếu mình tác dụng vào tường một lực thì tường cũng tự nhiên trả lại một lực tương ứng gọi là phản lực. Hay áp dụng trong trường hợp này thì vật chất hay tinh thần cũng chỉ là một.

Khi bạn mua một ngôi nhà, bạn không trang hoàng, yêu quý nó như một vật thể mang lại những giá trị tinh thần như tình yêu, hơi ấm, sự an bình thì riêng ngôi nhà (vật chất) không mang đến hạnh phúc. Hay ngược lại bạn chỉ có tình yêu, lòng bao dung nhưng lại nghèo xơ, nghèo xác, không kiếm được ngôi nhà ra hồn thì cũng không có điều kiện để cảm nhận cái bình yên thật sự.

Vậy làm sao để có được nhiều vật chất và tinh thần ?
Để có nhiều vật chất thì bạn phải có nhiều tiền. Vì vậy hãy coi trọng đồng tiền, tìm hiểu về cách kiếm tiền và tiêu tiền. Cái này chỉ cần đọc vài quyển sách người Nhật, người Do Thái dạy con cách làm giàu, cách quản lý tiền sẽ có khổi bài học hay ho. Tuy nhiên, mình chỉ bổ sung thêm một đặc điểm đặc trưng của người Việt đó là: dùng quá nhiều tiền cho người chết và vì thế còn rất ít tiền để chi tiêu cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Hãy tự thống kê xem một năm bạn giành bao nhiều tiền để lo chuyện thờ cúng, xây lăng tẩm, đốt vàng mã, xây tượng đài…trong khi bạn lại không đủ tiền để mua quyển sách hay, để du lịch một mình hay cùng gia đình, bạn bè đâu đó, để xây dựng nhà cửa, khu vườn, công viên, bệnh viện…Nhìn vào cuộc sống của bố mẹ tôi, họ làm quần quật mà vẫn không đủ tiền để lo đủ thứ nghi lễ cho người đã chết còn cuộc sống của họ thì không được tận hưởng, trải niệm những điều mới mẻ như đi du lich, tham gia các hoạt động văn hóa nhiều….Tôi vẫn nghĩ con người chết đi không biến mất hoàn toàn, sự tồn tại vẫn tiếp diễn nhưng dưới một dạng khác. Nhưng hành trình tồn tại đó giống như một hành trình thời gian, bạn chỉ có tiến chứ không thể đứng lại hay quay lại quá khứ. Vì vậy việc người còn sống sống khốn khó hơn vì lo cho người chết là không đáng. Vì bản thân người chết không hưởng được. Và mỗi người chỉ có thể tự  giúp mình mà thôi. Nên nhiệm vụ của người sống là tập trung xây dựng cuộc sống hiện tại đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần, đồng thời kéo dài sự sống đó càng lâu càng tốt.

Tôi đang dần thay đổi quan niệm, có lẽ tương lai tôi sẽ thuyết phục bố mẹ, gia đình sẽ tối giản tới mức tối đa các nghi thức tốn kém cho người đã khuất. Tôi muốn nếu bố mẹ tôi có mất đi, tôi sẽ giữ hình ảnh họ thân thường bên giường hay một gốc thật dễ thương với đầy ắp các kỉ vật về họ, thay vì đặt họ lên một nơi thiêng liêng nào đó. Tôi sẽ giành số tiền lo thờ cúng họ để tổ chức chuyến du lịch cho cả gia đình, và kể cho con tôi nghe về ông bà của họ thay vì xây lặng mộ cho họ thật to và rộng. Nếu có tổ chức cúng kị, tôi sẽ gom tất cả những người đã khuất và tổ chức 1 lần vào một ngày trong năm thay vì dàn trải trong năm. Và nếu tôi chết đi, tôi sẽ dạn con tôi, sử dụng xác tôi để hiến tạng cho y khoa vì chỉ cần một người hiến tạng như thế là cứu sống được 4 người cần ghép tạng (1 quả tim, 2 quả thận và 1 quả gan) hay không thì hỏa thiêu làm phân bón cho cây cối. Bởi khi chết đi, tôi tìn cái tinh thần, linh hồn sẽ rời cái thể xác tạm bợ này. Nếu thế thì xây mồ mả cho cái xác của tôi liệu có cần thiết ?

Hành trình thực sự là hành trình giúp bạn thay đổi tư duy. Thay đổi tư duy là cánh cửa để thay đổi hành động. Thay đổi hành động là cánh cửa kéo dài sự sống và tăng niềm hạnh phúc thực sự. 

"Tư duy như cái nhảy dù. Nó không thể hoạt động nếu nó không được cởi mở."  



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire